Du lịch Côn Đảo đi như thế nào, ở khách sạn nào,
chơi ở đâu, ăn món ngon gì?….làm sao để du lịch được nhiều nhất mà vẫn tiết kiệm
kinh phí và thời gian? VNTRAVEL chia sẻ đến quý du khách có dự định
đi du lịch Côn Đảo những kinh nghiệm dưới đây để bắt đầu một hành trình thật
thú vị.
Nhắc tới Côn Đảo ai cũng thường nghĩ đến là nơi có những nhà tù chính trị, là địa ngục trần gian với những tội ác tàn bạo của lính Pháp và Mỹ hay nơi có mộ chị Võ Thị Sáu. Nhưng nếu được một lần đến với Côn Đảo bạn sẽ bắt gặp một hòn đảo xinh đẹp và còn hoang sơ. Mình xin chia sẻ một số thông tin cần thiết khi đi du lịch Côn Đảo.
Quần đảo Côn Đảo
- Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, quần đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích đất nổi là 76 km², trong đó đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn. Côn Đảo là một trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Nơi đây được nhiều du khách đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên (rừng và biển). Côn Đảo được xem là hòn đảo du lịch với những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn.
- Côn Đảo được bình chọn vào top 10 nơi đáng sợ nhất thế giới, hay lọt vào danh sách những đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới.
Thời gian thích hợp đi Côn Đảo
- Từ tháng 10 đến hết tháng 2 là thời gian biển động, chi phí sinh hoạt tại Côn Đảo thường rất đắt đỏ do tàu bè chuyên chở hàng hóa không thể ra đảo. Trong khoảng thời gian này tốt nhất là đi bằng máy bay tới du lịch Côn Đảo.
- Tháng 3 – tháng 9 là thời gian biển êm, mặc dầu là mùa mưa nhưng các trận mưa ở Côn Đảo không quá 1 giờ đồng hồ, sau đó có ánh nắng chan hòa. Phương tiện đến Côn Đảo thời gian này có thể bằng máy bay hoặc bằng tàu.
Phương tiện đi Côn Đảo
Vì là đảo ngoài khơi xa (cách Bà Rịa-Vũng Tàu 180km) nên chỉ có 2 cách để đến Côn Đảo là tàu biển và máy bay. Bạn nên cân nhắc chi phí và sức khỏe để chọn phương tiện phù hợp.
- Tàu biển
Từ Sài Gòn bạn nên đến bến xe Miền Đông tìm xe đi Vũng Tàu (nên chọn xe Kumho vì xe an toàn và chất lượng cao ), nói tài xế cho dừng cảng Cát Lở ( từ đường lớn đi bộ vào khoảng 500m).
Hiện nay có 2 tàu đi Côn Đảo và ngược lại là tàu Côn Đảo 9 và Côn Đảo 10, mất khoảng 12 tiếng mới đến được Côn Đảo. Tàu xuất phát vào lúc 17h00 và đến đảo lúc 5h00 sáng hôm sau, tuy nhiên 2 tàu này chỉ đi khi thời tiết thuận lợi. Giá vé khoảng 150.000-200.000 VNĐ/ người.
Liên hệ đặt vé:
+ Tại Vũng Tàu: 1007/36 đường 30/4 - phường 11 - Vũng Tàu. ĐT: 064.838684
+ Tại Côn Đảo: ĐT: 064.830619 (bạn phải đặt trước 2-3 tuần).
- Máy bay
+ Tại Sài Gòn: có các chuyến bay của hãng AirMekong và VASCO từ Tân Sơn Nhất đến sân bay Cỏ Ống - Côn Đảo, thời gian bay khoảng 45 phút, giá vé thấp nhất từ 2.100.000 VNĐ/vé khứ hồi.
+ Tại Hà Nội: hãng AirMekong thực hiện 3 chuyến bay mỗi tuần. Thời gian bay khoảng 60 phút, giá vé là 3.400.000 VNĐ/vé khứ hồi.
Thuê xe máy ở Côn Đảo
- Côn sơn cafe: 0643.630670 – 0908099919 (chị Dung)
- Lưu niệm Thảo Châu hoặc sạp khô Bình Dương: 0919701871 (chị Bình) – 0918261885 (chị Châu)
- Thiện (Ban nhạc Côn Đảo): 0937037200
- Chị Liên : 0919432559
- Hòa xe ôm: 01687668512 (đi xe ôm)
- Taxi của Dầu Khí 064. 3 61 61 61
- Thuê xe ô tô 16 chỗ Bạn có thể liên hệ anh Chinh: 0643508387
Khách sạn, nhà nghỉ ở Côn Đảo
- Khách sạn Six Senses Côn Đảo: được xây dựng thân thiện với môi trường. 50 biệt thự nằm bên bãi biển đầy cát trắng, che chở bởi những ngọn đồi màu xanh lá cây rừng phía sau với khung cảnh tuyệt đẹp của biển xanh thẳm và đường cong của vịnh. Tất cả vật liệu xây dựng đều từ nguồn tự nhiên có sẵn.
- Con Dao Camping: Tọa lạc tại một vị trí trung tâm ở Côn Đảo, Con Dao Camping cung cấp chỗ ở kiểu lều thoải mái với phòng tắm riêng và truy cập Wi-Fi miễn phí. Bãi biển An Hải cách đó trong vòng 10m.
Từ Con Dao Camping du khách đi khoảng 4 km là đến Bãi biển Ông Đụng và 3 km là tới bảo tàng Nhà Tù. Sân bay Côn Đảo và Cảng Bến Đầm đều nằm trong bán kính khoảng 15 km từ nơi nghỉ này.
- Con Dao Resort: Nằm dọc theo Đường Nguyễn Đức Thuận, Con Dao Resort cung cấp 10 boongalô với Wifi. Con Dao Resort cách bãi biển vài bước chân và cách Sân bay Côn Sơn 25 phút lái xe.
- Nhà khách Phi Yến (ĐT: 064.3830168) đây là một địa chỉ lâu năm nên nhà khách cũng xuống cấp nhiều. Giá phòng đơn là 350k/đêm, phòng đôi là 450k/đêm. Nhà khách này nằm ở vị trí thoáng đãng ngay đường Tôn Đức Thắng nhìn thẳng ra biển. Khuôn viên ở đây rộng nên cũng có cả quán ăn, bán cơm, mì, phở, hủ tíu…
- Khu nghỉ dưỡng Côn Đảo là khu nghỉ dưỡng 3 sao với bãi biển riêng tư và cát mịn trải dài trên 2km rất trong lành và sạch sẽ. Từ sân bay Côn Sơn (Cỏ Ống) về đến khu nghỉ dưỡng Côn Đảo chỉ hết hơn 20 phút.
- Nhà nghỉ Thái Hà đường Nguyễn Huệ - ĐT: 064.3831679 hoặc 01219799339
- Khách sạn mini Tân An đường Lê Duẩn - ĐT: 064.3830257– 0907844747- 0918579105
- Motel An Lộc đường Trần Phú - ĐT: 064.3608506 – 0904339068 – 0988448484 (găp chị Kim Anh)
- Khách sạn Phương Thảo đường Trần Phú - ĐT: 01237599977 – 064.3830526
- Khách sạn mini Hải An đường Hồ Thanh Tòng - ĐT: 064.3508077 – 01644683866
- Các bạn có thêm tìm thêm trên trang : www.agoda.com hoặc www.booking.com
Tham quan những đâu ở Côn Đảo?
Nhà tù Côn Đảo
Từ năm 1862 đến 1975, Côn Đảo được biết đến như một nhà tù tàn bạo dành cho những kẻ chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ Sài Gòn cũ. Để hiểu phần nào về Côn Đảo thời xưa, bạn nên đến thăm Bảo Tàng Côn Đảo, khu di tích Chuồng Cọp (Pháp & Mỹ), nghĩa trang Hàng Dương, viếng thăm mộ nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu và các chiến sỹ khác…
Nghĩa trang Hàng Dương
Là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo Đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, trong nhà tù của chính quyền thuộc địa Pháp, và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Họ đã chết dưới sự tàn bạo của cai ngục và hoàn cảnh sống khắc nghiệt tại nhà tù.
Nghĩa trang Hàng Dương được Bộ Thương Binh Lao Động và Xã Hội giao cho UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu làm chủ đầu tư và giao cho Viện kỹ thuật Công binh khởi công xây dựng và tôn tạo vào ngày 19 tháng 12 năm 1992 . Sau đó Tổng công ty xây dựng Trường Sơn tiếp tục thi công trên diện tích khoảng 20 ha, và được chia làm 4 khu:
+ Khu A: Gồm 688 ngôi mộ (có 7 mộ tập thể) trong đó 91 mộ có tên và 597 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 trở về trước. Nơi đây có mộ của liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.
+ Khu B: Gồm 695 ngôi mộ (có 17 mộ tập thể) trong đó 276 mộ có tên và 419 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 đến 1960. Nơi đây có mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc.
+ Khu C: Gồm 373 ngôi mộ (có 1 mộ tập thể) trong đó 332 mộ có tên và 41 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1960 đến 1975. Nơi đây có mộ của anh hùng Lê Văn Việt.
+ Khu D: Gồm 157 ngôi mộ, trong đó 14 mộ có tên và 143 mộ khuyết danh. Đặc biệt mộ khu D được quy tập các mộ từ Hòn Cau và Hàng Keo về.
Cầu ma Thiên Lãnh
Từ trung tâm thị trấn Côn Đảo nếu đi bằng xe về phía tây, qua khu vườn quốc gia khoảng 3km tới một con đường nhỏ, cây cối hai bên mọc um tùm, leo hết con dốc thì tới di tích cầu Ma Thiên Lãnh, một cây cầu do người Pháp bắt các tù nhân xây dựng trên núi cao để vượt sang phía bên kia núi ( hiện nay di tích chỉ còn lại hai bên móng cầu). Cầu chưa làm xong nhưng đã có tới 356 tù nhân chết vì đói, vì rét, và vì tai nạn. Thăm di tích này để thấy sự cùng cực của tù nhân trên “ địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Miếu bà Phi Yến
Tháng 10 (Âm Lịch) năm 1785, làng An Hải (nơi có ngôi An Sơn Miếu ngày nay) tổ chức hội làm chay tế lễ trong làng. Họ rước bà Phi Yến đến tham dự cho thêm phần long trọng. Đêm hôm ấy, tại làng An Hải bà đã bị tên Biện Thi (một tên đồ tể) lén vào cấm phòng của bà giở trò sàm sỡ, song Biện Thi chỉ vừa nắm được tay bà thì bà đã kịp tri hô cho dân làng bắt giam chờ xét xử. Cũng đêm hôm ấy bà Phi Yến đã liều mình tự tử để được vẹn toàn danh tiết.
Cầu tàu 914
Cầu tàu 914 là một di tích lịch sử nổi tiếng của Côn Đảo, được khởi công vào năm 1873, kéo dài hàng chục năm xây dựng. Trải qua nhiều thời kỳ sửa chữa và mở rộng, ngày nay cầu tàu bắt đầu từ mép lộ trước cổng dinh Chúa Đảo vươn ra vịnh Côn Sơn dài hơn 300m, chiều rộng gần 5 m, nhưng ở cuối cầu tàu có đoạn rộng gần 8m.
Sở dĩ có tên 914 là trong quá trình xây dựng cầu tàu, người ta ước tính đã có 914 tù nhân đã ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. Nhưng đó chỉ là con số ước lệ, trên thực tế con số có thể lên đến hàng ngàn người. Cầu tàu 914 cũng là nơi chứng kiến những giây phút vinh quang, xúc động nhất khi những lá cờ đỏ sao vàng tung bay rợp bóng vào ngày Cách mạng tháng Tám thành công, hay ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chứng kiến hàng ngàn tù nhân được tự do trở về đất liền.
Hòn Tài
Hệ sinh thái dưới biển của Hòn Tài là bức tranh phong phú đầy màu sắc của san hô hòa mình với những loại sinh vật biển ẩn dưới nắng xuyên qua làn nước trong xanh. Đến với Hòn Tài, du khách còn có thể thấy sóc mun – loại sóc đặc hữu chỉ có ở Côn Đảo, kỳ đà, tắc kè… và nhiều loài chim biển, gầm ghì trắng – một loại chim quý hiếm thuộc họ bồ câu, khỉ mặt đỏ – giống khỉ quý đang được nuôi tại Hòn Tài.
Hòn Bảy Cạnh
Hòn Bảy Cạnh là hòn đảo lớn thứ hai trong số 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo, có số lượng rùa biển lên đẻ nhiều nhất Việt Nam. Mỗi năm có đến hàng trăm cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trứng. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sinh, với hệ động, thực vật rất phong phú. Đến với Hòn Bảy Cạnh, du khách sẽ có cơ khám phá sinh thái rừng ngập mặn và bơi lặn ngắm san hô. San hô ở đây rất đa dạng về chủng loại với san hô dạng phiến, dạng bàn, dạng cành, khối đều thuộc sách đỏ của Việt Nam Mất. Đi tàu từ đảo Côn Đảo ra Hòn Bảy Cạnh mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
Hòn Cau
Hòn Cau khá nổi tiếng bởi trước đây là một làng cổ thời vua Gia Long với tên “Xóm Bà Thiết”. Hơn nữa đây còn là một di tích lịch sử, nơi thực dân Pháp, Mỹ giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước, trong đó có cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hòn Cau là nơi duy nhất trong số các đảo ngoài khơi trong quần đảo Côn Sơn có nguồn nước ngầm. Hòn Cau cũng là nơi quan trọng cho công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm như: rùa biển, yến sào. Đến với hòn Cau du khách có thể tìm hiểu nhiều hệ sinh thái kỳ thú và tận hưởng cảnh đẹp hoang sơ và môi trường trong lành.
Hòn Tre Lớn
Nếu bạn muốn xem san hô thì hòn Tre Lớn là nơi lý tưởng nhất, vì san hô ở đây rất đẹp và phong phú chủng loại. Ở đây bạn còn được xem bãi cát nơi rùa biển đẻ trứng, nghỉ ngơi thư giãn và tắm biển.
Vịnh Đầm Tre
Vịnh Đầm Tre nằm phía Đông Bắc của đảo Côn Sơn, cách trung tâm Vườn quốc gia Côn Đảo 16 km. Vịnh Đầm Tre là một điểm du lịch hoang dã với cảnh quan tự nhiên, kín gió. Tại đây, du khách có thể tham quan rừng ngập mặn, bơi lặn ngắm san hô, xem chim yến làm tổ trong mùa sinh sản và nhiều loài sinh vật biển khác… Trên đường đi, du khách sẽ được ngắm cảnh đẹp của vịnh Côn Sơn, mũi Lò Vôi, bãi biển Đất Dốc, mũi Chim Chim, vịnh Đông Bắc…
Bãi biển Đầm Trầu
Bãi biển này cách thị trấn Côn Sơn 15 km, là bãi tắm đẹp nhất. Xa xa, trên một triền đá vươn ra tận biển nổi lên hai tảng đá lớn, chụm đầu vào nhau như đôi bạn đang trò chuyện. Nước biển ở đây trong và xanh hơn bất cứ nơi nào. Màu xanh thăm thẳm của trời, màu xanh bất tận của cánh rừng đổ bóng, hòa với màu xanh trong của biển. Ở đây cũng có dịch vụ lặn ngắm biển thú vị.
Những hoạt động thú vị ở Côn Đảo
Lặn biển ngắm san hô
Côn Đảo bao gồm các tiểu đảo khác nhau như hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Tre, hòn Trứng, hòn Trác hay hòn Cau… là nơi hội tụ các dải san hô với mật độ cao bậc nhất Việt Nam, nơi lý tưởng để khám phá thế giới đại dương kỳ thú. Tại những địa điểm lặn đã được thăm dò trước, du khách sẽ được hướng dẫn các thao tác cơ bản và lặn cùng với chính người hướng dẫn. Du khách có thể liên hệ với Côn Đảo Explorer, Rainbow hoặc hỏi các khách sạn về nơi cung cấp tour lặn biển. Giá cho một tour lặn biển có bao gồm các dụng cụ cần thiết từ 500.000 VND/người trở lên.
Câu cá biển Đông
Vùng biển Côn Đảo nằm trong biển Đông rất dồi dào các loại hải sản, hứa hẹn một chuyến ra khơi đầy thú vị đối với các câu thủ. Sau đó bạn có thể tân hưởng chiến lợi phẩm của mình và vừa có thể tận hưởng không gian yên bình của biển xanh cát trắng với bạn đồng hành hay người thân. Đặc biệt, một số du khách tự thử thách lòng can đảm với thú câu cá mập. Địa điểm lý tưởng nhất chính là bãi Nhát, nằm trên đỉnh Tình Yêu nổi tiếng của Côn Đảo. Theo lời những “chuyên gia” câu cá mập là dân đảo cho biết, thời điểm đi câu cá mập thích hợp nhất là khi màn đêm buông xuống, còn cá to hay nhỏ, nhiều hay ít còn phụ thuộc và thời tiết và con nước.
Tham quan rừng Ông Đụng
Khám phá vườn quốc gia Côn Đảo bằng cách tản bộ một khoảng ngắn xuyên qua rừng nhiệt đới, đến bãi biển Ông Đụng ở bờ bên kia của đảo. Nếu sức khỏe cho phép, bạn có thể tắm biển và ngắm san hô bằng ống thở tại đây. Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi cư trú của khoảng 285 loài thực vật, nhiều loài đặc trưng cho rừng của cả ba miền Bắc, Trung, Nam và hơn 100 loài chim, thú có vú đặc hữu như sóc mun, chim gầm ghì trắng, chuột núi…, cùng nhiều sản vật quý hiếm như tổ yến, đồi mồi, vích, hải sâm, rau câu…
Xem vích đẻ trứng
Du lịch Côn Đảo, bạn có thể trải nghiệm một đêm lặng lẽ nhưng vô cùng quyến rũ trên hòn Bảy Cạnh. Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những con rùa biển Chelonia mydas mà dân gian hay gọi rùa xanh hay vích… làm ổ và đẻ trứng bên bờ biển.
Đặc sản ở Côn Đảo
Ốc vú nàng
Đặc sản hấp dẫn nhất không nên bỏ qua khi đi du lịch Côn Đảo mang cái tên khá “nhạy cảm” là ốc vú nàng. Loại ốc này có thể nướng, luộc, ăn gỏi đều ngon tuyệt hảo. So với ốc vú nàng ở biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), biển Đại Lãnh (Khánh Hòa), ốc vú nàng ở Côn Đảo là to hơn, lại có quanh năm và nhiều nhất vào những ngày trăng tròn.
Mứt hạt bàng
Đây là một món ăn độc đáo làm từ hạt của cây bàng – loài cây rừng gần như đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người Côn Đảo. Vị ngọt của đường hay vị mặn của muối hòa lẫn vị bùi và béo của hạt bàng ở đầu lưỡi, mang đến một món mứt vừa ngon lại rất lạ.
Ngoài ra, còn nhiều món ngon khác mà các bạn không thể bỏ qua ở Côn Đảo như: cua mặt trăng, ghẹ, tôm hùm, trùn biển, gỏi cá mập, mắm hun, mắm hàu…(tuy nhiên giá rất mắc).
Những lưu ý khi đi du lịch Côn Đảo
- Dịch vụ ở Côn Đảo còn phụ thuộc nhiều vào các chuyến hàng cung cấp của đất liền nên còn khá đắt đỏ và hạn chế nhất là các hoạt động vui chơi về đêm. Do đó, bạn nên chuẩn bị tâm lý rằng đây là chuyến nghỉ ngơi và khám phá một hòn đảo còn rất hoang sơ, dịch vụ chưa đầy đủ như đất liền.
- Bạn nên chuẩn bị giày cao cổ nếu muốn vào rừng khám phá, thuốc chống dị ứng, các loại thuốc cá nhân hay dùng, một số đồ ăn liền do buổi tối rất khó kiếm đồ ăn.
- Ở Côn Đảo rất ít hàng quán, có 2 nhà hàng khá nổi tiếng là Tri Kỷ Quán hoặc Thu Ba trên đảo Côn Sơn.
- Có một cách tiết kiệm hơn cho du khách là tự mình ra cầu cảng vào tầm 6h00 sáng hoặc 2h00 chiều, giờ tàu về để mua hải sản tươi rói giá rất rẻ. Hải sản tươi có thể mang về khách sạn nhờ họ chế biến.
- Nếu muốn ăn cơm bụi, bạn có thể tới khu vực chợ Côn Đảo.
Chúc các bạn có một chuyến đi tìm hiểu về vùng đất lịch sử, anh hùng Côn Đảo thật thú vị và nhiều ý nghĩa !!!