Những món ngon và đặc sản ở Phú Quốc

    29.7.14

Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất Việt Nam. Với những bãi biển nước xanh trong vắt như Bãi Sao và Bãi Dài. Phú Quốc thực sự là thiên đường cho những người yêu biển. Bên cạnh đó, thiên nhiên còn ban tặng cho Phú Quốc những đặc sản mà chỉ nơi đây có được. Chắc chắn đó sẽ là những món quà vô quá bạn dành tặng cho bạn bè, người thân. Hãy thử tìm hiểu những món ngon ở Phú Quốc này nhé.

Kinh nghiệm du lịch bụi Phú Quốc

Gỏi cá trích

"Nước mắm ngon đem dầm con cá trích
Anh có vợ rồi đứng xích cho xa”

Câu ca ấy đã khiến du khách bốn phương phần nào hình dung về sự hấp dẫn của món ăn làm từ con cá trích. Không cầu kỳ trong cách chế biến nhưng món cá trích đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mẩn: từ việc phải chọn những con cá trích thật tươi, vảy bóng trắng; vỏ bánh phải làm bằng bột gạo nguyên chất và được nhúng vào nước cốt dừa loãng cho mềm đến rau sống phải hội tụ đủ cả rau rừng và rau trồng như: đọt dứa, bằng lăng, xà lách, húng cay, dấp cá…


Cuộn các thứ rau vào bánh tráng, cho thêm vài sợi dừa nạo, gắp miếng cá trích còn tươi đỏ chấm chung với nước mắm Phú Quốc, từ từ đưa vào miệng, vị mềm giòn, ngòn ngọt, chua chua của cá, vị béo của dừa và lạc rang hòa trong cái vị cay, chan chát của rau rừng cứ tan dần trong miệng khiến cho bất kỳ ai khi có cơ hội thưởng thức lần đầu sẽ thấy là lạ, lần thứ hai thấy ngon và rồi nghiện ăn món này lúc nào không hay.

 

Nét đặc biệt của cư dân Phú Quốc là khi ăn gỏi cá trích phải uống chút rượu sim, bởi cá trích có rất nhiều đạm và còn tươi sống, khi ăn gỏi cá dùng chút ít chất men để tốt cho tiêu hóa, đồng thời tạo nên sự hưng phấn, êm ấm bên gia đình sau những ngày ra khơi. Quây quần bên mâm bàn còn là dịp để cho các ngư dân hàn huyên tâm sự, trao đổi kinh nghiệm với nhau về việc đánh bắt hải sản và bàn tính chuyện ra khơi sắp tới. Có thể nói, gỏi cá trích và rượu sim đã quyện chặt với nhau trong các bữa ăn gia đình trên đảo Phú Quốc mà khó có món ăn nào sánh được.

Nước mắm Phú Quốc

Nước mắm Phú Quốc từ lâu đã trở thành một sản vật trời ban cho vùng đất cực nam của Tổ quốc. Danh tiếng nước mắm Phú Quốc không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng trên khắp thế giới.Nước mắm Phú Quốc đã có hơn 200 năm lịch sử. Nguyên liệu chính là những mẻ cá cơm được bắt xung quanh đảo.\

 

Cá cơm Phú Quốc có quanh năm nhưng những mẻ ngon nhất là vào tầm tháng 7 đến tháng 12 hằng năm. Cá cơm có đến hơn chục loại, nhưng phải làm cá cơm sọc tiêu, cá cơm than và cá cơm đỏ thì nước mắm mới tốt có màu cánh gián đậm, thơm ngon tinh khiết. Cá cơm được chượp (ướp) vào thùng gỗ có sức chứa khoảng 3-4 tấn, chu kỳ sản xuất từ 6-7 tháng. Thời kỳ này, nước mắm loại thượng hạn chỉ đạt từ 250-280 đạm trở lại. Sau khi lấy nước cốt, người dân đem xác mắm nấu trong chảo lớn, rồi gạn lấy nước mắm lần 2, còn gọi là nước long hay nước ngang, đạt từ 80-180 đạm.

 

Nước mắm sản xuất ra chủ yếu để tiêu thụ trong nước và vận chuyển sang Campuchia, Thái Lan bằng thuyền buồm. Khi vận chuyển, người ta cho nước mắm vào tỉnh đất nung có dung tích từ 3-3,5 lít, nắp tỉnh được đậy bằng miếng gỗ mỏng, dưới nắp có một lớp vỏ tràm và chung quanh tỉnh được niềng bằng sợi dây mây lát mỏng. Muối dùng để ướp và chế biến nước mắm Phú Quốc, được sản xuất tại các vùng Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết, muối ở các vùng khác sẽ làm mắm kém chất lượng ngay. Muối phải được lưu tại kho tối thiểu là 60 ngày trước khi đưa vào chế biến, để làm một số thành phần khoáng chất trong muối có chất chát lắng xuống dưới, đó là điểm khác biệt trong khâu chế biến nước mắm Phú Quốc với các loại nước mắm vùng khác.

Rượu sim

Rượu sim là một loại rượu đặc sản của Phú Quốc. Sim trên Phú Quốc mọc dại ở khắp nơi, đặc biệt là trên những đồi, núi nhỏ. Sim ở Phú Quốc có những đặc điểm riêng. Cây sim có 2 loại, đó là hồng sim và tiểu sim, đều có lá mặt dưới màu trắng có lông, trái khi chín có màu tím đen. Trái sim dùng làm rượu sim ở Phú Quốc chủ yếu là hồng sim.

 

Trước đây, Phú Quốc có rất nhiều sim, cứ mỗi độ xuân về tầm tháng giêng là người dân ở đây thường kéo nhau lên núi hái sim. Những trái sim to, chín mọng, tỏa mùi thơm dịu, hái sim thấy mà ham.

Trẻ em Phú Quốc hái sim về chủ yếu là để ăn, còn người lớn hái về lấy làm ngâm rượu uống để trị bệnh. Cách làm rượu sim rất đơn giản, hái những trái sim chín mọng rửa sạch giã nát rồi cho vào hủ sành đổ rượu trắng ngon vào ngâm với sim chín. Để độ 3 tháng, thấy sim đã hòa lẫn với rượu là có thể lấy ra uống. Trái sim ngâm với rượu trắng uống để chữa một số bệnh thông thường là đau nhức, mỏi gối, đau đầu,...Còn ngày nay ở Phú Quốc đã được khá nhiều du khách du lịch biết đến loại rượu Sim Phú Quốc nổi tiếng.

Nấm tràm

Loài nấm đặc biệt này chỉ có ở Phú Quốc vào mùa mưa. Nấm tràm hình dạng khá đa dạng, tai màu tím nhạt, tròn và béo múp có cây tím thâm, mới nhú lại búp tròn nấm nhỏ còn gọi là nấm búp trong giống như cây, nấm lớn có hình như cái ô có màu tím như màu quả mân cục, vòng đời phát triển của loại nấm này rất ngắn chỉ trong vòng khoảng 1 tháng. Nếu bạn đến vào mùa khô, nấm tràm chắc chắn là loại đã được phơi khô hoặc trữ đông, không thể ngon bằng nấm vừa hái.

 

Nấm tươi được nấu với hải sản như tôm, cá, mực. Nấm khô thì xào với bào ngư hoặc hải sâm. Món gà giò luộc vừa chín tới, cho nấm tươi mới hái vào sẽ cho ta món súp nấm thơm lừng. Thưởng thức món canh nấm tràm bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của nấm, thơm nồng của tiêu và đậm đà hơn khi bạn dùng chung với nước chấn nước nắm cá cơm Phú Quốc. Những cánh nấm chóng nở, chóng tàn, vị ngọt đắng xen lẫn, phảng phất chút hương đất trời phương Nam này là món ngon không thể bỏ qua khi du ngoạn đảo Ngọc. Hiện nay nấm tràm vẫn còn khá sẵn tại các nhà hàng và quán ăn ở Phú Quốc với giá không quá cao.

Theo quan điểm đông y rất tốt vì chữa được mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu và có tác dụng làm bổ nội tạng nhờ chất dầu tràm ở trong nó vị đắng ấy lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, do vậy nấm tràm còn có tác dụng giã rượu. Nấm tràm còn là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon, dùng để nấu với rau tập tàng hoặc rau lang cùng với tôm bóc vỏ, thịt ba chỉ, hoặc nấu cháo với cá tươi, xào với thịt... Các món ăn nấu từ nấm tràm có vị đắng đặc trưng. Ở Phú Quốc, nấm tràm được nấu với tôm, mực là một món ăn phổ thông. Người dân trên Đảo đã kết hợp giữa nấm tràm với hải sản tươi trên đảo như mực, tôm, hào bao … tạo ra món canh nấm tràm mùi vị thơm ngon, hấp dẫn vừa là món ăn bổ dưỡng cho mọi gia đình. Ngoài ra cháo nấm tràm nấu với tôm hay các loại cá tươi, món nấm tràm xào thịt, xào tôm, canh nấm tràm nấu với rau xanh và cá.

Tiêu Phú Quốc

Hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu đến từ những vùng miền khác, trong đó phải kể đến tiêu đỏ.

Hồ tiêu ngoài dùng làm gia vị, chúng còn có tác dụng chữa một số bệnh.Hạt tiêu giàu chất chống oxy hóa,giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa sự hủy hoại các tế bào, gây ra các căn bệnh ung thư và tim mạch. Ở Việt Nam có nhiều vùng trồng tiêu và ở Phú Quốc cũng vậy.

 

Hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu đến từ những vùng miền khác, trong đó phải kể đến tiêu đỏ. Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng thủ công, chọn lựa những quả chín riêng phân ra thành 3 loại: tiêu đỏ, tiêu sọ và tiêu đen.

Tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng không nơi nào sánh kịp. Người dân Phú Quốc bảo tồn nghề trồng tiêu không những vì mục đích kinh tế mà còn có giá trị lớn về văn hóa, du lịch. Tiêu là một đặc sản địa phương và là món quà độc đáo với khách du lịch gần xa.

Các vườn tiêu luôn được đưa vào danh mục điểm đến trong các tuor du lịch Phú Quốc. Quý khách đặt chân tới vườn tiêu vào thời điểm thu hoạch, quý khách sẽ trầm trồ khi ngắm nhìn tiêu chín đỏ trên cây, thưởng thức mùi thơm cay nồng và học hỏi kinh nghiệm từ chính những nông dân đã gắn bó với vườn tiêu nhiều thế hệ.

Trên đường đi Hàm Ninh có vườn tiêu Đức Ninh, nằm ngay bên tay phải, tiêu đen chín 200.000 đ/kg, tiêu sọ chín 260.000 đ/kg. Tiêu Phú Quốc rất thơm và đặc biệt khi xay ra có màu hồng đỏ, nên còn được gọi là hồng tiêu.

Ghẹ Hàm Ninh

Hàm Ninh là tên một làng chài ven biển Phú Quốc cách trung tâm Phú Quốc khoảng 20 cây số về phía đông. Làng chài Hàm Ninh là làng chài cổ nhất ở Phú Quốc, nơi đây với còn giữ những nét hoang sơ dân dã, nhà tranh vách tre chứ chưa phát triển hiện đại như trung tâm Phú Quốc. Người Hàm Ninh chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, lặn bắt ngọc trai và giăng lưới bắt ghẹ.Từ lâu, ghẹ Hàm Ninh đã nổi tiếng là một món hải sản nổi tiếng nhất nhì của biển Phú Quốc.

Thiên nhiên ưu đãi cho biển Phú Quốc những con ghẹ rất thơm ngon, chắc thịt và nơi ghẹ nhiều và ngon nhất chính là ở Hàm Ninh, ở đây nổi tiếng nhất là món ghẹ, khách du lịch đến Phú Quốc đều đến Hàm Ninh để ăn ghẹ nên được gọi là ghẹ Hàm Ninh. Ghẹ Hàm Ninh có thân hình khá nhỏ, nhỏ hơn nhiều so với các vùng khác, 1 kg được khoảng 6-7 con, nổi tiếng thơm ngon và giá rẻ (giá ghẹ dao động từ 100.000-150.000/kg).


Nếu bạn tới Phú Quốc một lần thì không thể bỏ qua món ăn hấp dẫn này.Ghẹ Hàm Ninh có rất nhiều cách chế biến nhưng ngon nhất vẫn là luộc chấm muối tiêu chanh để giữ nguyên hương vị gốc của ghẹ. Ghẹ vừa đánh bắt về, còn tươi sống, chọn những con nhỏ vừa, (không nên chọn con quá lớn sẽ không ngon), vào mùa thì có thể mua được ghẹ gạch, đem rửa sạch, bỏ vào nồi luộc chín đỏ vớt ra ăn ngay. Muối tiêu chanh làm từ tiêu Phú Quốc cay nồng, xé miếng thịt ghẹ trắng muốt chấm miếng muối tiêu đưa lên nhai kĩ mới thấy cái ngọt lừ, thơm lừng hương vị của biển…Ngoài ra ghẹ gạch Hàm Ninh cũng rất ngọt và béo ngậy, vô cùng hấp dẫn.

Du khách đến du lịch Phú Quốc mà chưa thưởng thức món ghẹ luộc thì chuyến đi coi như chưa trọn vẹn. Ghẹ là đặc sản độc nhất của Hàm Ninh - Phú Quốc, gần như lúc nào cũng có. Những con ghẹ vừa bắt lên đem luộc, màu đỏ tươi, thịt chắc nịt, chấm muối tiêu với chanh thì thật tuyệt vời.Ở Phú Quốc thì hầu hết nơi đâu cũng bán ghẹ tuy nhiên bạn nên đến xã Hàm Ninh để thưởng thức ghẹ bởi ghẹ ở đây được đánh giá là ngon nhất, xã Hàm Ninh cách thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc 20km. Để đến Hàm Ninh, bạn cứ đi theo tuyến Dương Đông, Hàm Ninh là đến.

Nhum Phú Quốc

Trong số các đặc sản tại Phú Quốc, nhum được xem là món ăn lạ mắt, lạ miệng. Nhum Họ hàng với trai, sò…Khi nhỏ, nhum giống như trái chôm chôm, màu đen thẫm. Lớn lên, nhum có hình tròn dẹt, đường kính khoảng 8-10cm. Con nhum lớn hết cỡ có thể bằng trái cam sành nhưng dẹp, dày cỡ ba lóng tay. Người dân Phú Quốc chế biến nhiều món ăn như nhum kho, chưng hột vịt để ăn cơm, cháo nhum hải sản (hàu, sò, nghêu,...) ngọt như cháo trứng gà.

 

Ðể bắt nhum, người ta lặn theo các gành đá, dùng móc sắt giật khẽ, rồi nhặt bỏ vào bao. Nhưng nếu khua động mạnh, nhum sẽ "bắn gai" tự vệ có thể nguy hiểm, rồi bám chặt vào vách đá, không thể gỡ ra được. Nhum bắt về, rửa sạch, dùng dao chặt đôi, cắt bỏ túi dạ dày, lấy thanh tre mỏng nạo thịt ra khỏi vỏ. Thịt nhum kết thành năm hoặc tám múi như múi cam, mầu trắng hồng, có thể kho để ăn cơm hoặc trộn vào trứng chưng cách thủy, tráng chả, nhưng thú nhất là ăn sống - thịt nhum tươi chấm với muối tiêu và chanh, kèm theo mấy cọng rau thơm, thêm vài hớp rượu đế là hết ý.

Nếu có dịp ra Phú Quốc hãy thử một lần món nhum để biết hương vị độc đáo của món ăn này. Bảo đảm đi săn nhum và món nhum nướng sẽ mang đến cho bạn những giây phút sảng khoái và nhiều hứng thú.

Nguồn: http://sohatravel.vn/kinh-nghiem-du-lich-bui-dao-binh-ba-tu-a-den-z.html

Bài trước đó
Bài tiếp theo
Bài tiếp theo
Next Post
© 2017 vntravel.top. Thiết kế bởi Tun Media
Website trong quá trình hoạt động thử nghiệm .