Nhiều đường hầm không chỉ đóng vai trò giữ cho giao thông liền mạch, mà còn nổi bật ở kiến trúc độc đáo và những giá trị cảnh quan đặc biệt.
Channel (nối liền Anh và Pháp)
Năm 1996 Hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ coi đường hầm Channel là một trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại.
Là điểm kết nối giữa Vương quốc Anh và lục địa châu Âu, Channel là đường hầm dưới nước dài nhất trên thế giới với chiều dài phần chìm dưới biển xấp xỉ 38 km. Albert Mathieu, kỹ sư người Pháp, đã đề xuất kế hoạch xây dựng đường hầm dưới eo biển nước Anh vào năm 1802, dù ý tưởng của ông ban đầu là xây dựng một hòn đảo nhân tạo giữa biển để thuận tiện cho việc đổi ngựa.
Theo Matt Sykes, chuyên gia xây dựng đường hầm, Channel là một dự án lớn. "Sự xuất hiện của đường hầm dài 50 km đã thay đổi địa lý châu Âu và hỗ trợ tuyến đường sắt cao tốc trong quá trình trung chuyển", ông Sykes nói.
CNN cho hay, mặc dù công nhân của cả Anh và Pháp đều tham gia xây dựng đường hầm, song phía Anh đảm nhận quãng đường dài hơn.
Laerdahl (Na Uy)
Bên trong đường hầm Laerdahl.
Với chiều dài 24,5 km, đường hầm Laerdahl của Na Uy là đường hầm dài nhất thế giới dành cho ô tô. Chi phí xây dựng đường hầm là 153 triệu USD.
Các kỹ sư đã tách Laerdahl thành các phần khác nhau để tài xế có cảm giác họ đang trải qua nhiều đường hầm nhỏ hơn, giúp xua tan cảm giác lo sợ và mệt mỏi khi phải lái xe trong khoảng 20 phút qua khu vực chật hẹp gồm nhiều núi và hệ thống sông ngòi chằng chịt ở phía tây Na Uy. Lái xe có thể nghỉ ngơi hoặc thậm chí tổ chức lễ cưới ngay tại đường hầm như một cặp đôi ưa mạo hiểm đã từng thực hiện.
Tokyo Bay Aqua-Line (Nhật Bản)
Cây cầu này chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ công trình đường hầm Tokyo Bay Aqua-Line.
Toàn bộ công trình gồm một nhịp cầu dài 4,4 km và đường hầm dài 9,6 km xuyên qua vịnh Tokyo. Việc xây dựng đường hầm Aqua đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển qua hai thành phố Kawasaki và Kisarazu. Điểm đặc biệt của đường hầm này là sự hiện diện của một hòn đảo nhân tạo Umi - Hotaru trên cầu. Đây là địa điểm lý tưởng cho du khách muốn quan sát vẻ đẹp của vịnh Tokyo.
Eisenhower (Mỹ)
Hầm đường bộ Eisenhower tọa lạc ở bang Colorado, Mỹ.
Ở vị trí 3.401 m so với mực nước biển, Eisenhower là một trong số những hầm đường bộ cao nhất thế giới và tọa lạc ở điểm cao nhất của hệ thống đường cao tốc Mỹ. Đường hầm dài 2,72 km chính thức thông xe vào năm 1972.
Spiralen (Na Uy)
Đường hầm Spiralen đầy bí hiểm với cấu trúc hình xoắn ốc.
Hầm đường bộ Spirale dài 1,65 km được khởi công vào năm 1961. Cấu trúc của Spiralen gồm 6 hình xoắn ốc dài tổng cộng 1,649 m. Nơi đây trở thành một trong số những kỳ quan ngoạn mục nhất ở thành phố công nghiệp Drammen. Các nhà hàng, bảo tàng ngoài trời và một khu vườn dành riêng cho khách uống bia đã tạo nên nét đặc biệt của đường hầm nổi tiếng này.
Guoliang (Trung Quốc)
Đường hầm Guoliang mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Trước kia, mọi người chỉ có thể tới làng Guoliang, tỉnh Hà Nam, bằng một con đường hẹp cạnh dãy núi Taihang. Năm 1972, một nhóm gồm 13 người dân làng đã quyết định xây đường hầm Guoliang dài 1,2 km để giúp quá trình di chuyển của họ trở nên thuận tiện hơn. Người dân đã dùng tay để đào hầm. Ba người đã chết trong quá trình xây dựng. Sau khi hoàn thiện, dù đường hầm có cấu trúc gồ ghề và dốc do công cụ mà người dân dùng để xây dựng đường hầm rất thô sơ, công trình này vẫn mang nhiều ý nghĩa bởi nó biểu trưng cho tính bền bỉ của những người dân làng.
Smart (Malaysia)
Đường hầm Smart có tổng chiều dài là 9,7 km.
Đây là đường hầm dài nhất tại Malaysia với tổng chiều dài là 9,7 km. Người ta xây dựng nó nhằm giải quyết vấn đề lũ quét tại thủ đô Kuala Lumpur. Kể từ khi thông xe vào năm 2007, Smart đã góp phần kiểm soát lũ lụt thành công và giảm bớt tắc nghẽn giao thông tại nước này.
Bund Sightseeing (Trung Quốc)
Bund Sightseeing là đường hầm dưới nước.
Đường hầm dưới nước Bund Sightseeing trải rộng tới sông Hoàng Phố và là điểm kết nối bến Thượng Hải và mũi Lujiazui – nơi đặt tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông. Một công ty xây dựng tại thành phố Thượng Hải đã tạo hiệu ứng âm thanh và hình ảnh bên trong đường hầm dài 646,7 m. Đây hiện là một trong 5 điểm du lịch hấp dẫn tại Thượng Hải.
Seikan (Nhật Bản)
Seikan là hầm đường sắt dài nhất và sâu nhất thế giới.
Đường hầm Seikan nằm dưới eo biển Tsugaru. Nó nối liền hai đảo Honshu và Hokkaido. Với tổng chiều dài là 53 km và phần chìm dưới biển dài 23 km, đây chính là hầm đường sắt dài nhất và sâu nhất thế giới. Quá trình xây dựng Seikan bắt đầu vào năm 1971 và đối mặt với nhiều khó khăn bởi điều kiện địa chất phức tạp dưới eo biển Tsugaru. 34 công nhân đã thiệt mạng trong khi xây dựng. Người ta khánh thành đường hầm vào ngày 13/3/1988 với tổng chi phí xây dựng lên khổng lồ lên tới 3,6 tỷ USD.